Những dòng nhỏ này là kết hợp những điều dạy căn bản của Đức Thầy về cách ăn ở, đối xử với nhau theo đạo đức Việt Nam từ ngàn xưa. Những lời dạy này dành cho mọi người, ở mọi thành phần xã hội cũng như tuổi tác.
Người mới bắt đầu làm quen, tìm hiểu PGHH hoặc đã biết qua nhưng cần giữ cho nhớ những điều căn bản, thì tập sách nhỏ này sẽ giúp ích, nếu muốn tìm hiểu thêm, và đi xa hơn xin mời đi thẳng vào những tài liệu khác, như Sấm Giảng Thi Văn toàn bộ.
Soạn tập sách nhỏ này, nhằm giúp phương tiện cho con cháu gia đình PGHH, cũng như quý vị nào muốn tìm hiểu về đời sống tinh thần của một tín đồ.
Nếu quý vị đọc thấy còn thiếu sót thì đó là điều không thể tránh khỏi, rất mong được lượng thứ.
Lời văn, từ ngữ, tất tất, giữ nguyên lời dạy của Đức Thầy trong suốt quá trình Ngài thuyết giảng. Trong thời điểm ấy cách chúng ta ngày nay hơn nửa thế kỷ, những lời giảng dạy ấy vẫn không phải khó hiểu cho người đọc.
Sau cùng, hy vọng tập sách nhỏ này đem lại cho người đọc phần nào hữu ích trong việc Học Phật Tu Nhân của Phật Giáo Hòa Hảo, là điều mong mỏi lớn lao.
l.- ĐIỀU KIỆN VÀO ĐẠO.-
ll.- ĐỜI SỐNG ĐẠO CỦA TÍN ĐỒ.-
A.- CÁCH THỜ PHƯỢNG – HÀNH LỄ:
- Thờ phượng,
- Hành lễ,
- Tang lễ,
- Cách cầu nguyện cho người chết,
- Hôn nhơn.
B.- SỰ CÚNG LẠY CỦA NGƯỜI CƯ SĨ TẠI GIA:
- Bài nguyện trước bàn thờ Ông, Bà,
- Bài nguyện trước bàn thờ Phật,
- Bài nguyện trước bàn thông thiên,
- Niệm Phật,
- Khi ăn cơm,
- Ăn chay,
- Đi xa nhà.
lll.- SỰ ĂN Ở CỦA TÍN ĐỒ.-
- Tu thân xử kỷ,
- Lời khuyên bổn đạo (Tám điều răn cấm).
lV.- HỌC PHẬT – TU NHÂN.-
A. HỌC PHẬT
1.TRÁNH NHỮNG TỘI LỖI DO TAM NGHIỆP:
- Thân nghiệp,
- Khẩu nghiệp,
- Ý nghiệp.
2.- BÁT CHÁNH:
3.- ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO CỦA PHẬT:
B.- TU NHÂN
1.- BỔN PHẬN
- Đối với Tổ Tiên, Cha Mẹ,
- Đối với Đất nước,
- Đối với Tam Bảo,
- Đối với Đồng bào và Nhơn loại,
- Đối với các tăng sư,
- Đối với chùa chiền,
- Đối với tôn giáo khác và Nhơn sanh,
- Bát Nhẫn.
2. NHỮNG ĐIỀU PHẢI TRÁNH,
ĐUỢC CHÂM CHẾ HOẶC NÊN LÀM:
- Uống rượu,
- Thuốc phiện,
- Cờ bạc,
- Để tóc,
- Sự học,
- Thể dục,
- Ăn ở,
- Cách làm ăn.
V.- ĐẠO LÝ – LUÂN THƯỜNG
1.- NGƯỜI NAM:
- Đạo quân thần
- Đạo sư đệ,
- Đạo phụ tử
- Đạo phu thê,
- Đạo huynh đệ.
2.- NGƯỜI NỮ:
- Tam tùng
- Công - Ngôn,
- Dung - Hạnh.
l.- ĐIỀU KIỆN VÀO ĐẠO.-
Người nào muốn quy y phải có hai người bổn đạo cũ, có đức hạnh tiến cử và bảo lãnh, đến Ban Trị Sự trong làng cho người làm đầu biết, và người làm đầu phải đọc hết thể lệ về sự tu hành cho người quy y nghe, hỏi coi có bằng lòng quy y như lời nguyện dạy và răn cấm trong Đạo chăng. Nếu họ bằng lòng, biểu họ về nhà cho Ông Bà, Cha Mẹ biết, hoặc nguyện trước bàn thờ Ông Bà, Tổ Tiên rằng: Ngày … tháng … con chịu quy y theo Đạo. Sau đó, người làm đầu (Hội Trưởng) cho cuốn sách nhỏ này. Chỗ nào không có Ban Trị Sự, hai người bổn đạo cũ phải dìu dắt người mới, rồi sau sẽ dẫn lên Ban Trị Sự gần đó, không bắt buộc thề thốt chi hết, vì người muốn tu do nơi sự phát nguyện của mình thôi. Khi nào mình không muốn giữ Đạo, mình phải cho người tiến cử hay để bôi tên mình ra. Không người nào được phép xưng mình là người trong Đạo mà lại không giữ luật. Kẻ nào làm trái luật lệ trong sự đạo đức, dầu không xin thôi Đạo hay là chưa bị bôi tên cũng bị trách nhiệm việc làm của họ và bị coi như người ngoại Đạo.
Nên nhớ rằng: Đức Phật sẽ dìu dắt và ủng hộ những kẻ nào làm ăn chơn thật, hiền lành đúng theo giáo lý của Ngài; chớ không bao giờ Ngài lại ủng hộ những kẻ gian tà xảo quyệt, làm các việc hung ác ngông cuồng trái những lời mà Ngài đã chỉ dạy.
ll.- ĐỜI SỐNG ĐẠO CỦA TÍN ĐỒ
A.- CÁCH THỜ PHƯỢNG - HÀNH LỄ
-Thờ Phượng
Từ truớc đến nay, các chùa chiền đã tạo quá nhiều hình tượng. Đành rằng vì tôn kính đấng Từ Bi mới làm ra thờ phượng Ngài, nhưng cũng có kẻ lợi dụng để thủ lợi. Bây giờ chúng ta không nên tạo thêm nữa. Làm thế, chúng ta không có ý hủy báng sự phượng thờ của các chùa chiền. Cách thờ phượng ấy tùy theo điều kiện các sư mà chúng ta cũng có thể sùng ngưỡng đặng. Nhưng riêng về cư sĩ ở nhà không nên tạo thêm nữa; nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào nhoáng bề ngoài. Từ trước, chúng thờ trần điều là di tích của Đức Phật Thầy Tây An để lại. Nhưng gần đây có nhiều kẻ thờ trần điều tự xưng cùng tông phái với chúng ta, làm sái phép, sái với tôn chỉ của Đức Phật, nên toàn thể trong Đạo đổi lại màu dà. Lại nữa, từ trước đến giờ các sư dùng màu dà để biểu hiện cho sự thoát tục của mình, và màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhân loại không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy, chúng ta dùng nó trong chỗ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật.
Nếu trong nhà chật, nội bàn Thông Thiên với một lư hương cũng được, bởi vì sự tu hành cốt ở chỗ trau tâm trỉa tánh hơn là do sự lễ bái ở ngoài. Còn người nào có cốt Phật trong nhà để vậy cũng đặng. Hình tượng bằng giấy không nên chừa lại và phải đốt đi. Kẻ nào phải chung đậu với người khác không có tu hiền, hay không cùng một Đạo với mình, hoặc nhà cửa nhỏ hẹp quá không có chỗ phượng thờ, thì đến giờ cúng kiếng chỉ vái thầm và niệm Phật trong tâm cũng đặng.
Về cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng đặng bán mùi uế trược. Ngoài ra, chẳng nên cúng một món gì khác cả. Bàn thờ Ông Bà cúng món chi cũng đặng.
Ngoài sự thờ Phật, Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ và những vị anh hùng của đất nước, không nên thờ vị tà thần nào khác mà mình không rõ căn tích.
- Hành Lễ
Chỉ thờ lạy Đức Phật, Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ lúc còn sống và các vị anh hùng cứu quốc. Với những kẻ khác, nên bỏ hẳn sự lạy lục người sống, cho đến Thầy mình cũng chỉ xá thôi.
- Tang Lễ
Lúc Ông Bà Cha Mẹ từ trần, tục để tang chúng ta vẫn giữ theo cổ lệ, chỉ cần sửa đổi các sự như sau đây:
Bây giờ chúng ta đã quy y đầu Phật, thì phải do sự thành tâm cầu nguyện, và đem sức khấn vái của anh chị em trong Đạo cầu nguyện cho vong linh người chết được siêu sinh nơi cõi thọ. Chẳng nên rước những ông thầy dưng bông, đốt giấy tiền vàng bạc, xá phướn lầu kho, vì đó là chuyện tốn tiền vô ích, bởi vì người ta nhận định rằng xác thịt là hư hoại, thì trong lúc chết chỉ đem chôn cất cho kín đáo, đừng để hôi thúi có hại cho người sống, như thế là đủ rồi. Còn hiếu sự do hồi còn sanh tiền và do sự tu hành, sự thành tâm cầu nguyện chớ không phải có tiền rước người khác cầu nguyện mà đạt được hiếu thuận nhơn nghĩa. Chỉ vọng bàn giữa nhà hay giữa trời cầu nguyện, rồi im lặng đi chôn.
Việc cúng kiếng Ông Bà, Cha Mẹ, có chi cúng nấy trong những ngày kỷ niệm theo như tục lệ. Việc đãi đằng hương đảng thì tùy ý. Những điều nào xét ra giản tiện, ít lãng phí cứ làm.
- Cách Cầu Nguyện Cho Người Chết
Mỗi người đứng trước bàn thờ Phật niệm: “Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật ” (ba lần) và “ Nam mô A Di Đà Phật ” (ba lần).
Vái : “Phật Tổ, Phật Thầy, nay mình thành tâm cầu nguyện cho tên … (tên người chết), nhờ ơn Đức Phật từ bi cứu độ vong linh được thoát chốn mê đồ, vãng sanh miền Cực Lạc ! ”
Trong lúc ở nhà hay lúc đưa đám tang gì cũng vậy, nếu có tổ chức sắp hàng chấp tay niệm:
“Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn cữu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi tiếp dẫn vong linh A Di Đà Phật ”- nếu người chết là nhà sư thì câu chót đọc: “tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật ”.
NÊN LƯU Ý: Tang gia đừng nên khóc lóc làm trở ngại sự siêu thoát anh linh của người chết.
- Hôn Nhơn
Bổn phận Cha Mẹ phải chọn lựa đôi bạn cho con một cách xứng đáng bằng sự quan sát tường tận về đức tánh đôi trai gái. Không nên ép uổng con mình quá đáng, vì như thế làm cho khốn khổ nó về sau, nhưng cũng không nên để chúng quá tự do mà sự thiếu kinh nghiệm làm cho đời chúng phải hư hỏng.
Nên bỏ tục lệ thách giá đòi tiền và đòi lễ vật. Thông gia hai bên không nên làm khó cho nhau. Cũng chẳng nên bày ra tiệc lễ linh đình tốn kém nhiều tiền làm cho trở nên nghèo.
B .- SỰ CÚNG LẠY CỦA NGƯỜI CƯ SĨ TẠI GIA:
BÀI NGUYỆN TRƯỚC BÀN THỜ ÔNG BÀ:
Cầm hương xá 3 xá, quỳ xuống chấp tay đưa lên trán nguyện:
Cúi kính dưng hương trước Cữu Huyền,
Cầu trên Thất Tổ chứng lòng thiềng.
Nay con tỉnh ngộ quy y Phật,
Chí dốc tu hiền tạo phước duyên”.
Cấm hương rồi đứng ngay thẳng chắp tay vào ngực đọc tiếp:
Cúi đầu lạy tạ Tổ Tông,
Báo ơn sanh dưỡng dày công nhọc nhằn.
Rày con xin giữ Đạo hằng,
Tu cầu Tông Tổ siêu thăng Phật đài.
Nguyện làm cho đẹp mặt mày;
Thoát nơi khổ hải Liên đài được lên.
Mong nhờ Đức Cả bề trên,
Độ con yên ổn vững bền cội tu”. (lạy 4 lạy)
BÀI NGUYỆN TRƯỚC BÀN THỜ PHẬT
Cầm hương xá 3 xá, qùy xuống chắp tay đưa lên trán đọc bài Quy y :
Nam Mô Thập Phương Phật.
Nam Mô Thập Phương Pháp.
Nam Mô Thập Phương Tăng”.
“Nam Mô Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại thần, chư quan cựu thần, chư vị sơn thần, chư vị Năm Non Bảy Núi, cảm ứng, chứng minh, nay con nguyện cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, quy y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật Đạo”.
Cắm hương, lạy 4 lạy cũng được, hoặc cắm hương đứng ngay thẳng chắp tay vào ngực đọc:
“Nam Mô Tây Phương Cực lạc thế giới Đại từ Đại bi phổ độ chúng sanh A Di Đà Phật”.
“Nam Mô nhứt nguyện cầu: Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhơn Hoàng, Liên Hoa hải hội, thượng Phật từ bi, Phật vương độ chúng, thế giới bình an”.
“Nam Mô nhị nguyên cầu: Cữu Huyền Thất Tổ Tịnh độ siêu sanh”.
“Nam Mô tam nguyện cầu: Phụ Mẫu tại đường tăng long phước thọ, Phụ Mẫu quá khứ trực vãng Tây Phương”.
“Nam Mô tứ nguyện cầu: Bá tánh vạn dân từ tâm bác ái, giải thoát mê ly”.
“Nam Mô ngũ nguyện cầu: Phật Tổ, Phật Thầy từ bi xá tội đệ tử tiêu tai tịnh sự, trí huệ thông minh, giai đắc đạo quả”.
Lạy 4 lạy rồi xá:
1 xá chính giữa niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật”.
1 xá bên trái niệm: “Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát”.
1 xá bên phải niệm: “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát”.
BÀN THÔNG THIÊN
Cầu nguyện bàn Phật xong, ra bàn Thông Thiên cầu nguyện 4 hướng (lấy bàn Thông Thiên làm hướng chánh) trước mặt, sau lưng, hai bên vai.
Hướng chánh bàn Thông Thiên có nguyện, đọc bài Quy Y, còn ba hướng kia chỉ đọc bài Tây Phương ngũ nguyện. (mỗi hướng đọc rồi lạy 4 lạy - Khi cầu nguyện nếu không thể lạy được thì xá 3 xá) Lạy đứng hay lạy quỳ tùy theo lúc yếu mạnh.
NIỆM PHẬT
Cúng xong, muốn niệm Phật cũng được. Ngồi bán già thẳng lưng niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật. Hay niệm: “Nam Mô Tây Phương Cực lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cữu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi phổ độ chúng sanh A Di Đà Phật”.
(Niệm Phật nhiều ít tùy theo sức mình, lúc cầu nguyện và niệm Phật chỉ niệm trong tâm) “Nam Mô-A-Di-Đà-Phật”, đi, đứng, nằm, ngồi rán niệm chớ quên không đợi gì thời khắc.
KHI ĂN CƠM
Mỗi khi ăn cơm với mắm muối chi cũng vậy, đều nguyện vái Cữu Huyển, Thất Tổ, Ông Bà, Cha Mẹ quá vãng về ăn với mình để tỏ lòng hiếu thảo.
ĂN CHAY
Đến ngày đơm quảy có chi cúng nấy.
Ăn chay ngày 14-15, 29-30, tháng thiếu 29 - 1, có nhang thì đốt, không có thì nguyện không.
Hàng năm, đến ba ngày xuân nhựt thì ngày 29-30 và mồng 1 phải ăn chay, trong mấy ngày ăn chay phải cúng chay, qua đến ngày mồng 2 có chi cúng nấy cũng được, đến ngày mồng 3 ra mắt không nên sát sanh loài vật mà cúng tế Trời Phật, chỉ dùng bông hoa mà cúng thôi.
ĐI XA NHÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét