Cần nhắc lại rằng Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) là một tông phái của Phật Giáo, được thành lập tại Miền Nam Việt Nam bởi Đức Huỳnh Giáo Chủ, lấy giáo lý của Đức Phật Thích Ca làm nền tảng. Chỉ có về phương diện tổ chức thì PGHH có một giáo hội riêng, và các nghi thức thờ cúng cũng có phần khác biệt so với Phật Giáo truyền thống.
Đối với cái chết, PGHH cũng tin rằng con người sẽ phải trải qua tiến trình sinh-lão-bệnh-tử. Cái thân tứ đại khi chết sẽ trở về với tứ đại, nhưng linh hồn của con người thì bất diệt. Người tín đồ PGHH lúc sống lo tinh tấn tu hành, để khi chết linh hồn được siêu thoát về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Cũng theo PGHH, trong tám vạn bốn ngàn pháp môn của Đức Phật thì pháp môn niệm Phật là rất vi diệu và thù thắng, có công năng lớn, cho nên được áp dụng nhiều, kể cả khi hỗ trợ cho người chết.
1- Đối với người hấp hối:
Cũng như các tông phái khác của Phật Giáo, PGHH tin rằng cận tử nghiệp (nghiệp xảy ra lúc người sắp lìa đời) đóng một vai trò quan trọng trong sự tái sinh của người chết. Có nhiều người cả đời làm lành, nhưng trong giờ phút lâm chung do người thân làm những điều không phải, nên sinh tâm sân hận tức thời mà phải tái sinh vào cõi ác đạo! Ngược lại, nhiều người sinh thời có làm nhiều điều dữ, nhưng khi hấp hối thành tâm sám hối, nhất tâm niệm Phật với cả ba nghiệp thanh tịnh, thì vẫn có khả năng siêu sanh tịnh độ. Vì lẽ đó, khi có người thân hấp hối trên giường bệnh, tín đồ PGHH sẽ cùng nhau hiệp lực niệm Phật cho người hấp hối. Cần nhớ là việc hộ niệm này chỉ là tha lực, để nhắc nhở và phụ trợ cho thần thức người hấp hối cũng phải nhất tâm niệm Phật (tự lực) thì mới có kết quả.
2- Trong tang lễ:
Theo PGHH thì “Tử Thì Táng”, tức là nên đem chôn người chết để trả thân tứ đại về với tứ đại. Người thân tiếp tục niệm Phật để giúp linh hồn người chết được an lạc, vãn sinh nơi cõi cực lạc. Nghi thức tang lễ theo PGHH đơn giản, ngắn gọn, thường chỉ một hai ngày là chôn. Sau đây là trích đoạn trong Sấm Giảng Thi-Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo Chủ nói về tang lễ:
(Trích) “…Bây giờ chúng ta đã qui-y đầu Phật thì phải do sự thành-tâm cầu-nguyện, và đem sức khấn vái của anh chị em trong Đạo cầu nguyện cho vong linh người chết được siêu-sinh nơi cõi thọ. Chẳng nên rước những ông thầy dưng bông, đốt giấy-tiền vàng-bạc, xá phướn lầu kho, vì đó là chuyện tốn tiền vô ích, bởi vì ta nên nhận-định rằng xác thịt là hư -hoại, thì trong lúc chết chỉ đem chôn cất cho kín đáo đừng để hôi thúi có hại cho người sống, như thế là đủ rồi. Còn hiếu-sự do hồi còn sanh tiền và do sự tu hành, sự thành tâm cầu nguyện chớ không phải có tiền rước người khác cầu nguyện mà đạt được hiếu-thuận nhơn-nghĩa. Chỉ vọng bàn giữa nhà hay giữa trời mà cầu nguyên, rồi im-lặng đi chôn.
Về việc cúng kiến ông bà cha mẹ, có chi cúng nấy, trong những ngày kỷ-niệm theo như tục lệ. Còn về việc đãi đằng hương-đảng thì tùy ý. Những điều nào xét ra giản tiện, ít lãng phí cứ làm.
CÁCH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT
Mỗi người đứng trước bàn thờ Phật niệm "Nam-mô Bổn-sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật" (ba lần), và Nam-Mô A-Di-Đà Phật (ba lần).
Vái: "Phật-Tổ, Phật-Thầy, nay mình thành tâm cầu nguyện cho tên . . . . . . . . (tên người chết), nhờ ơn Đức Phật từ-bi cưú-độ vong-linh được thoát chốn mê-đồ, vãng- sanh miền Cực-lạc!"
Trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang gì cũng vậy, nếu có tổ-chức sắp hàng chắp tay niệm: "Nam-mô Tây phương Cực-lạc thế giới tam-thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại-từ đại-bi tiếp dẫn vong linh A-Di-Đà Phật" (nếu người chết là nhà sư thì câu chót đọc: "Tiếp dẫn đạo sư A-Di-Đà Phật")…
NÊN LƯU Ý: Tang-gia đừng nên khóc lóc, để tĩnh tâm cầu-nguyện cho người chết, vì khóc-lóc làm trở-ngại sự siêu-thoát anh-linh của người chết.
(Hết trích)
3- Sau tang lễ:
Tín đồ PGHH cũng giữ tục để tang theo cổ lệ. Cái tang là để nhắc người sống về người chết, từ đó sống cho phải đạo lý. Còn chuyện cúng thất cho người chết thì không bắt buộc, bởi vì tín đồ PGHH trong 02 buổi cầu nguyện hằng ngày của mình cũng đã có hồi hướng về cho người thân đã khuất được siêu sanh tịnh độ (Tây Phương Ngũ Nguyện). (VB)
BQT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét