- ÐẶC TÍNH THỨ NHẤT: nằm trong truyền thống Bữu Sơn Kỳ Hương đến Phật Giáo Hòa Hảo là một nền đạo Phật của Việt Nam.
Ðức Phật Thầy Tây An trước kia vừa truyền bá đạo Phật vừa khuyến khích nông nghiệp dưới hình thức Lập trại ruộng để vừa tu hành vừa cày cấy.
Ngày nay cũng thế, hầu hết tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là nông dân, và đó cũng là một lý do tại sao Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã lập đạo tại một vùng đất phì nhiêu nhứt Việt Nam.
Trên phương diện nhân sinh và xã hội, người ta cũng nhận định rằng bản chất thuần phác của người nông dân cho họ có căn bản thuận lợi để tu học theo đạo Phật.
- ÐẶC TÍNH THỨ HAI: Phật Giáo Hòa Hảo cũng như Bữu Sơn Kỳ Hương đều chủ trương tu hành tại gia. Bởi vì các vị Giáo Chủ này đã nghĩ rằng đạo Phật không những chỉ truyền bá ở thiền môn mà còn phải phát triển rộng rãi đến mọi gia đình.
Do đó các tín đồ PGHH không bị bắt buộc phải cạo đầu vào chùa, lìa bỏ mọi việc ngoài thế gian, mà họ vẩn ở tại gia đình, sống như mọi người công dân khác với nếp sống bình dị trong nông nghiệp, đồng thời tu hành theo giáo lý của Ðức Thích Ca.
Tôn chỉ tu hành của Phật Giáo Hòa Hảo là Học Phật Tu Nhân, tức là noi theo giáo lý chơn truyền của Ðức Phật mà tu sửa con người, để vừa làm tròn bổn phận trong cõi đời đang sống, vừa dọn thân tâm cho trong sáng để được siêu thăng vào cõi Cực Lạc, giải thoát khỏi vòng luân hồi.
Tôn chỉ Học Phật Tu Nhân, gồm có 4 điều ân lớn mà người tín đồ phải tích-cực thực-hiện tu tập đó là :
1- Ân Tổ Tiên Cha Mẹ
2- Ân Ðất Nước
3- Ân Tam Bảo
4- Ân Ðồng Bào Nhơn Loại
Cũng trong đường lối đó, người tín đồ PGHH đã tỏ ra tích cực tu hành đồng thời cũng tích cực hy sinh vì đất nước, khi quốc gia hữu sự.
- ÐẶC TÍNH THỨ BA: là sự canh tân phương pháp hành đạo nhằm loại trừ mọi hình thức rườm rà mê tín dị đoan. Ðặc tính canh tân này có mục đích loại bỏ âm thinh sắc tướng để phát dương phần tinh túy của đạo Phật, đúng theo chánh pháp vô vi của Ðức Phật.
Ðạo Phật Giáo Hòa Hảo chủ trương canh tân như sau:
- Không tạo chùa, đúc tượng thêm ngoài những nơi đã sẳn có. Ai giàu lòng từ thiện thì nên phát tâm bố thí, cứu trợ kẻ nghèo khốn, hơn là cất chùa lớn, đúc tượng cao.
- Không chấp nhận thầy cúng, thầy lễ, thầy bói, thầy phù thủy, cũng không dâng cúng chè xôi thực phẩm cho Phật, vì Phật không dùng những của hối lộ đó.
- Không dùng cờ phướn, lầu kho, giấy tiền vàng bạc, phí tổn vô ích...
- Không khóc lóc hay làm linh đình lúc tang ma, mà chỉ cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thoát.
- Không ép hôn, thách tiền cưới hay tiệc rượu linh đình, vì sẽ mang nợ, gây hại về sau.
Tóm lại, giáo pháp vô vi Phật Giáo Hòa Hảo nhằm canh tân phương pháp hành đạo để trở về với giáo lý chơn truyền của Ðức Phật, là tu hành tại Tâm, chằng phải ở hình thức lễ nghi bề ngoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét